
Ngôi trường cũ
Đó là một ngôi trường kì lạ mà chắc chỉ có 8x và 9x đời đầu biết đến.
Ngày đầu tiên vào lớp 6, cắp cặp sách đến ngôi trường này, tôi thực sự ấn tượng xấu về nó.
Cổng trường cũ kĩ với cái bảng sắt han gỉ.
Phòng học mái ngói, cửa sổ không có chắn song. Tôi nghe người ta bảo nó là 1 xí nghiệp trước khi trở thành trường trung tâm của huyện.
Nói là của huyện nhưng nó lại nằm ở Hành Thiện – một vùng đất địa linh nhân kiệt.
Trường chạy dọc theo một con sông ngày đục đêm trong. Bên trong trường lại có một ao nước rộng mênh mông, rộng phải bằng nửa diện tích những ngôi nhà ở đây.
Thế đấy, suy nghĩ đầu tiên của tôi là mình phải trải qua mấy năm trung học ở một ngôi trường hoang sơ này, hoang sơ theo đúng nghĩa đen của nó.
Trường có 12 lớp chia đều cho 4 khối. Lũ chúng tôi là những cá thể chọn lọc hầu như từ các xã đến đây học và phải tìm nhà dân mà trọ.
Trong trường có một khu tập thể nhưng chỉ dành cho các thầy cô.
Cô hiệu trưởng có một căn phòng nhỏ để ở trưa (nhà cô cũng xa trường).
Nhà tôi cách trường khoảng 13 cây số, đi lại khó khăn.
Không hiểu tôi đặc biệt hay vì bản lĩnh ngoại giao cao mà tôi đàm phán thành công với cô hiệu trưởng để lại cho mình căn phòng đó. Tôi ở đó còn cô nghỉ trưa ở … phòng hội đồng.
Căn phòng của cô chỉ độ chục mét vuông nhưng như thế là tốt lắm rồi.
Tôi dọn đến ở chung với các thầy cô. Ăn ngủ cùng các thầy cô. Ở trong trường, vừa đảm bảo, vừa tiện.
Nhưng có một nỗi dở là cái nhà vệ sinh khá xa và còn nằm gần mấy … nấm mồ. Còn trẻ con nên biết sợ.
Và thế là hình như tôi chỉ ở hết hè và vào năm học phải chuyển ra.
Dần dần rồi cũng quen trường lớp, quen thầy cô, bạn bè.
Lúc đó cảm thấy lớp mái ngói, nhà vệ sinh, mấy nấm mồ đôi lúc cũng đẹp lạ thường.
Trường có một con đường bê tông dài, đi dạo trên con đường đó, khẽ đón nắng sau những lá phượng vĩ li ti, cảm giác thật yo-most!
Sân trường rất rộng, nó trải một màu đất đỏ kì lạ và thưa thớt những thảm cỏ xanh úa.
Mấy cái thảm cỏ ấy, chúng tôi từng lăn lộn ở đó tìm “gà chọi”. Cỏ gà, quật nhau chan chat thật là khoái!
Những cái sân đất đó, chúng trở thành những sân vận động hàng đầu của tuổi thơ. Những trận bóng kinh điển và những pha làm bàn ngất ngưởng nghĩ đến mà phát cười.
Cứ mỗi khi tiếng trống trường vang lên lớp nào lớp ấy phi như điên ra ngoài giữ sân đá bóng. Đội này lẫn đội kia, chân này đá chân kia. Đến là vui!
Đôi khi những trận vui đó bị trững lại bởi một số tai nạn nhỏ. Có khi là bóng rơi xuống ao, cũng có khi là sự xuất hiện của một ác nhân – bác bảo vệ của trường. Chúng tôi gọi vui ông là Năng đại ca (tên bác ấy là Năng).
“Năng đại ca” có một chiếc dao mác dài chuyên để săn lùng bóng của bọn nhỏ.
Tôi nghĩ cảm giác khoái chí nhất của bác chính là lúc bác chém bóng nhựa bắt được của chúng tôi.
Từng quả, từng quả trước những con mắt âm thầm của lũ trẻ đến lỗi chúng phải thốt lên: “thôi xong 2 nghìn, 2 nghìn đồng”.
Nhưng bác cũng chỉ là làm luật của trường thôi, bác đã và đang chém cho đến khi chúng nó hết tiền mua bóng.
Nói về luật thì mục sở tại trường có một đội ngũ sao cờ đỏ rất chuyên nghiệp.
Hàng ngày có một chốt đặt ở cổng trường để chặt chém đứa đi muộn.
Trường còn có thêm một cái cổng phụ bằng gỗ đủ để chui qua mỗi khi đến muộn. Nhưng thường đó là nơi bọn cờ đỏ tác nghiệp với những cuộc vây bắt như phim hành động.
Đứa nào số hên thì qua cái ải đó nhưng chưa hết, lại có từng tốp 1 đến 2 đứa trông coi từng lớp. Đến lúc này chỉ trông vào cái cửa sổ không có chắn song mà phi thân vào. Thoát nạn!
Trường có một nhà ăn phục vụ học sinh nhà xa. Nói là nhà ăn nhưng nó bẩn khủng khiếp và học sinh các lớp phải đến bưng về lớp mà ăn. Hồi đó mỗi bữa ăn có 2-3 ngàn đồng, gồm mấy miếng thịt, mấy cùi dừa và bát canh. Nhạt toẹt!
Lũ ở trưa ở trường thì phá phách kinh khủng, chúng chuyên đột kích những trái bàng, trái phượng, cày nát các cây cổ thụ trong trường.
Rồi trai, rồi gái rủ nhau vượt biên đi ăn hàng. Đến là hâm, nhưng vui.
Tự nhiên lại nhớ đến thằng bạn với con bạn, chúng nó cùng nghỉ trưa ở trường. Con này phi thước kẻ vỡ đầu thằng kia. Thế rồi chúng nó yêu nhau đến tận bây giờ. Hay thật!
Trường cũ nó thế. Giản dị, mộc mạc. Nơi đó tuy bảng đen bong gáy, tuy điện không đủ nhìn, tuy vật chất thiếu thốn nhưng tình thầy cô bạn bè đầm ấm, ai ai cũng thi đua học hành tiến bộ và lũ chúng tôi được chơi theo cách của riêng mình.
Còn nhớ những chiều mấy thằng bạn ngồi ngắm cái ao mênh mang rồi chỉ tay ra chân trời bất tận.
Còn nhớ những sáng tinh mơ bước đi trên con đường đầy lá phượng vi vu.
Và em ở đó, tựa vào chiếc cửa sổ không chắn song, đôi mắt em thật đẹp, nhìn xa xăm…